Tản mạn về Vô sinh – Hiếm muộn
TẢN MẠN VỀ VÔ SINH – HIẾM MUỘN
Trong suốt chiều dài lịch sử, người phụ nữ vô sinh có nhiều tên gọi và biệt hiệu khác nhau. Trong đó biệt hiệu “Barren” – Tịt đẻ, có lẽ là cái tên kinh hãi nhất, nó xuất phát từ từ Barain, một từ tiếng Anh cổ, mà ban đầu chỉ bất cứ thứ gì cằn cỗi: phụ nữ, động vật, thực vật, phong cảnh, thậm chí cả tư tưởng.Tuy nhiên, điểm chung đó là: vô sinh là một trải nghiệm đáng sợ, nó phá hoại xã hội – mà người phụ nữ thường phải gánh chịu.Trong suốt chiều dài lịch sử cho đến Thời Cận Đại, không tồn tại khái niệm HỖ TRỢ SINH SẢN , ở đó người phụ nữ VÔ SINH , HIẾM MUỘN bị đẩy vào góc khuất đen tối nhất của xã hội.
Vậy nên ngày nay, nếu bạn đang trên hành trình chữa trị vô sinh hiếm muộn, hãy nghĩ đến những phụ nữ ngày xưa, những người cùng chung một cuộc chiến với bạn, để thấy bạn thực sự may mắn thế nào khi được sống ở thời đại – mà y học phát triển như ngày nay.
Chúc cho tất cả mọi gia đình trên hành trình chữa trị vô sinh hiếm muộn đều cán đích thành công!
Thời kỳ Cổ đại
Qua tài liệu Y kinh của người Ai Cập cổ đại, chúng ta biết họ có những phương pháp “rất sai” để kiểm tra khả năng sinh sản và giới tính của thai nhi.
Để kiểm tra xem người phụ nữ có bị vô sinh hay không, họ bắt người phụ nữ đó ngồi trên một hỗn hợp gồm hơi dầu, nhang hương, quả chà là và bia. Sau khi trải qua quá trình đó, nếu như người phụ nữ có triệu chứng nôn mửa, thì người đó sẽ sớm mang bầu, còn không thì được xác định không thể có con!
Để kiểm tra giới tính của thai nhi, họ tưới nước tiểu của người phụ nữ mang bầu lên một nắm hạt lúa mì và lúa mạch. Nếu như hạt lúa mạch nảy mầm trước, thì đứa trẻ trong bụng sẽ là con trai, còn nếu hạt lúa mì nảy mầm trước, thì đứa trẻ là con gái!
Người Ai Cập cổ đại kỳ thị với những phụ nữ vô sinh, gắn họ với nữ thần Nephthys với biểu tượng là con chim ưng hoặc chim kền kền đầy chết chóc.
Ở Ấn Độ, một trong những cuốn sách đầu tiên bằng Tiếng Phạn cổ nói rằng: “những phụ nữ không sinh được con trai, không có chồng, người không có con, những người mẹ chỉ có con gái, những quả phụ, những phụ nữ không thể mang thai”. Họ được coi là bị ám bởi thần Nirrti – một nữ thần đặc biệt tàn nhẫn, và có thể bị đuổi ra khỏi nhà.
Còn ở Trung Hoa và Việt Nam ta thì phụ nữ vô sinh sẽ lấy thêm tỳ thiếp cho đức lang quân của họ. Nếu một người vợ không thể sinh con, thì các tỳ thiếp sẽ làm thay nghĩa vụ đó.
Hoan hô, rõ ràng người Việt ta đối xử với phụ nữ VÔ SINH có phần VĂN HÓA hơn!
Ở Rome, việc phụ nữ không có khả năng sinh con sẽ là cơ sở pháp lý để ly hôn. Tại lễ hội Lupercalia được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 hàng năm. Một con chó và những con dê sẽ bị giết để tế thần, sau đó hai thầy tế sẽ cắt, lột da của những con vật đã chết này rồi chạy quanh ngọn Đồi Palatine, và đánh bất cứ người phụ nữ nào họ thấy.
Họ quan niệm rằng đánh một cái như thế tức là giúp người phụ nữ kia mang thai. Nghe có vẻ vui, đúng không nào?
Nhưng người Hy Lạp mới là những người có tư duy y khoa căn bản(và lạ lùng) nhất về vô sinh hiếm muộn.Chính ông tổ của ngành tây y chúng ta – Hippocrates đã đổ lỗi cho các bộ phận trên cơ thể của người phụ nữ khiến cô ta không thể có con.
Ông cho rằng những phụ nữ có ngón tay béo sẽ không thể có thai vì chất béo đè nén miệng tử cung, làm cho cổ tử cung bị tắc nghẽn. Với những phụ nữ vô kinh thì là vì kinh nguyệt của họ sẽ chảy óc ách bên trong cơ thể thay vì chảy ra ngoài.
Hippocrates cũng cho rằng: mang thai sẽ giúp cho cơ thể của người phụ nữ giữ khỏe mạnh. Nếu cô ta không thể mang thai, thì cô ta sẽ bị yếu đi trong cả phần cuộc đời còn lại.
Ở thời kỳ này không tồn tại khái niệm “HỖ TRỢ SINH SẢN” hay “ĐIỀU TRỊ VÔ SINH HIẾM MUỘN”.
Thời kỳ Trung cổ
Theo cuốn Malleus Maleficarum (1487) nổi tiếng viết bởi hai người Đức là Heinrich Kramer và James Sprenger nói rằng vô sinh có thể do cả phù thủy và ma quỷ gây ra. Chúng không làm hại đến các cơ quan sinh sản mà chỉ khiến những cơ quan đó trở nên vô dụng, làm cho tinh dịch bị nhiễm độc, hoặc làm lạnh đi tình cảm cháy bỏng giữa người đàn ông và người vợ.
Đàn ông đã bắt đầu bị coi là những thủ phạm cho việc không thể sinh con.Và họ kiểm tra xem đàn ông hay đàn bà là nguyên nhân vô sinh như sau:
Lấy hai ấm nước làm bằng đất nung, mỗi người lấy một chiếc, người vợ cho nước và các hạt lúa mì vào một ấm,người chồng cho vào ấm còn lại (chỉ để sâm sấp nước). Đánh dấu kỹ các ấm để nhận biết, và để đó mười ngày mười đêm.
Sau đó, mở ra kiểm tra, nếu trong ấm nào có những con sâu thì người đó là vô sinh. Ấm nào không có sâu thì dường như người đó sắp có con và đang trong thời gian mà Thần linh định đoạt.
Ở thời kỳ này cũng không tồn tại khái niệm “HỖ TRỢ SINH SẢN” hay “CHỮA TRỊ VÔ SINH HIẾM MUỘN”.
Thời kỳ Phục hưng
Câu chuyện tại Pháp, cuộc hôn nhân của công nương Catherine de Medici với Vua Pháp Henry II không thể sinh được một đứa con, và thậm chí cho dù Henry II được biết đến là người có bộ phận sinh dục bị “dị tật” bẩm sinh, thì toàn bộ tội lỗi vẫn bị coi là của Catherine de Medici mà ra.
Bà được biết là đã làm hầu như mọi thứ, từ việc nhờ các nhà chiêm tinh tư vấn cho đến việc từ chối ngồi lên những con la(con vật lai gữa Ngựa và Lừa, hiện thân của những người vô sinh ng trong thần thoại) để tự mình có thể có bầu, nhưng tất cả đều vô ích.
Nhật ký gia nổi tiếng Samuel Pepys, tại Anh năm 1664, đã hỏi những người bạn của ông lời khuyên làm sao giải quyết được vấn đề liên tục vô sinh trong hôn nhân của mình, và đã nhận được nhiều lời khuyên như: “không được ôm vợ quá mạnh cũng như quá nhiều”, “uống nước ép ngải đắng”, và “giữ cho bụng ấm”,…
Thật không may, Pepys và những người vợ của ông vẫn chẳng thể thành công.
Các học giả về y khoa như Philip Barrough và Rodrigo de Castro Lusitano đã nói chuyện rất thoải mái về vấn đề vô sinh ở nam giới cũng như ở nữ giới, và ngôn ngữ cũng bắt đầu có ít lời lẽ mang tính buộc tội về đạo đức hơn, và bắt đầu mang tính y học nhiều hơn, tuy vậy nhưng vẫn chưa hoàn toàn được chính xác cho lắm. Ví dụ Barrough nói rằng: đàn ông không thể có con nếu tinh trùng của họ quá nóng hay quá lạnh, nếu dương vật của họ quá ngắn,…
Tất nhiên dù thế đi chăng nữa thì phụ nữ mới chính là những người bị xét đến nhiều nhất. Barrough đưa ra hàng hoạt những lý do tại sao phụ nữ không thể thụ thai – quá béo, quá gầy, dạ con quá nóng, dạ con quá lạnh, dạ con quá “hôi, bẩn và khô”, dạ con quá “yếu hoặc thẳng hoặc ngắn”. Giống Hippocrates trước đó, Barough nói rằng những phụ nữ vô sinh thường không có ngực nở, mông bự, bụng to và dạ dày lớn.
Richard Napier, thầy thuốc kiêm nhà chiêm tinh nổi tiếng của những năm đầu 1600 tại Anh, đã mô tả về vô sinh như là một nguyên nhân của bệnh “rối loạn tâm thần” ở các bệnh nhân nữ của ông.
Ở thời kỳ này tuy không tồn tại khái niệm “HỖ TRỢ SINH SẢN” nhưng đã có khái niệm “ĐIỀU TRỊ VÔ SINH HIẾM MUỘN”.
Thời kỳ cận đại
Trong những thế kỷ này thì vô sinh cũng bắt đầu có được những hiểu biết tốt hơn. William Smellie là người đầu tiên miêu tả chi tiết quá trình thụ thai vào năm năm 1752, và năm 1711, một đức cha có tên Benjamin Coleman đã xuất bản một cuốn sách mà trong đó ông viết “Chúng ta không bao giờ được gọi tên cô ấy là Barren (Tịt đẻ) khi mà cô ấy đã có thể sinh con trong các tác phẩm tuyệt tác”, và việc không có con được coi là chuyện buồn nhưng không còn ghê gớm về đạo đức hay là vết sẹo cho thanh danh của người phụ nữ nữa.
Tuy nhiên những phụ nữ vô sinh vẫn bị coi là một “sự thất bại” thậm chí cho đến khi có những hiểu biết về y khoa. Vào thời điểm những năm 1800, vô sinh hiếm muộn được coi là “một vấn đề mang tính máy móc” do “rối loạn cổ tử cung hoặc do bất thường về vị trí tử cung” gây ra.
Phụ nữ vẫn mang nghĩa là những người liễu đào, yếu ớt, không được làm những việc nặng, thậm chí là không được tập thể dục vì họ sợ rằng làm như vậy sẽ gây một số bất lợi cho tử cung của người phụ nữ.
Năm 1898, một thày thuốc nổi tiếng người Đức nói rằng không được có “những vận động mạnh”, vì nó có thể làm cho tử cung bị giãn ra, “từ đó làm tan biến mục đích chân chính của người phụ nữ trong cuộc sống, đó là cho ra đời những đứa con khỏe mạnh”.
Ở thời kỳ này đã tồn tại khái niệm “HỖ TRỢ SINH SẢN” và khái niệm “ĐIỀU TRỊ VÔ SINH HIẾM MUỘN”.
Thời kỳ hiện đại –ngày nay
Vô sinh hiếm muộn đã được WHO định nghĩa rõ trong ICD-10. Theo đó, có vô vàn nguyên nhân dẫn tới vô sinh hiếm muộn mà mỗi người là mỗi trường hợp khác nhau. Có thể do chồng; do vợ; cũng có thể do cả hai.
Có những bệnh chữa được, phần lớn là chữa được, y học ngày càng phát triển và số chữa được ngày càng cao!
Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (Assisted Reproductive Technologies – ART) bao gồm những kỹ thuật điều trị vô sinh trong đó có chọc hút trứng và đem trứng ra ngoài cơ thể.
Theo phân loại của nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản trên thế giới, thụ tinh nhân tạo IUI – bơm tinh trùng vào buồng tử cung không được xếp vào các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chính như sau:
Thụ tinh trong ống nghiệm – IVF (In-Vitro Fertilization)
Phương pháp này thường được chỉ định khi:
- Tắc vòi trứng
- Tinh trùng ít, yếu, dị dạng (không đủ để bơm tinh trùng vào buồng tử cung)
- Không tinh trùng, phải lấy tinh trùng từ mào tinh, tinh hoàn
- Vợ lớn tuổi
- Bơm tinh trùng nhiều lần thất bại.
Tóm tắt kỹ thuật:
– Kích thích buồng trứng cho vợ.
– Chọc hút trứng.
– Chuẩn bị tinh trùng chồng.
– Cấy tinh trùng và trứng trong môi trường nhân tạo để hình thành phôi.
– Chuyển phôi vào buồng tử cung cho vợ.
Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng – ICSI (Intracytoplasmic Sperm Injection)
ICSI có nghĩa là tiêm tinh trùng trực tiếp vào trứng để tạo phôi.
Với kỹ thuật TTTON bình thường, một số trường hợp tinh trùng không thể tự thụ tinh do bất thường về thụ tinh, dẫn đến không có phôi để chuyển vào buồng tử cung.
Với kỹ thuật ICSI, có thể tránh gần như hoàn toàn các trường hợp trên.
Chỉ định của ICSI:
- Vô sinh nam (tinh trùng ít, yếu, dị dạng nhiều, không tinh trùng trong tinh dịch phải lấy tinh trùng bằng phẫu thuật)
- Bất thường thụ tinh
- Vô sinh không rõ nguyên nhân
- Thất bại với thụ tinh ống nghiệm bình thường
Tóm tắt kỹ thuật:
– Kích thích buồng trứng.
– Chọc hút trứng.
– Chuẩn bị tinh trùng.
– Dùng hệ thống vi thao tác, tiêm trực tiếp tinh trùng vào trứng.
– Chuyển phôi vào buồng tử cung.
Trưởng thành trứng trong ống nghiệm – IVM (Invitro Maturation of Oocytes)
Trong IVM, trứng chưa trưởng thành được lấy ra từ buồng trứng chưa được kích thích, bệnh nhân không cần chích thuốc kích thích buồng trứng nhiều như trong thụ tinh ống nghiệm bình thường.
Thực hiện phương pháp này sẽ giảm được nhiều chi phí và tránh được hội chứng quá kích buồng trứng. Tuy nhiên thường chỉ phụ nữ có buồng trứng đa nang mới là đối tượng thích hợp để thực hiện IVM.
Tóm tắt kỹ thuật:
– Tiêm thuốc hỗ trợ buồng trứng trong 3 ngày.
– Chọc hút trứng non.
– Nuôi trứng non trong lab.
– Chuẩn bị tinh trùng.
– Trứng và tinh trùng được cho thụ tinh (thường bằng kỹ thuật ICSI – Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng).
– Kiểm tra chất lượng phôi, hỗ trợ phôi thoát màng nếu có chỉ định.
– Chuyển phôi vào buồng tử cung.
Thụ tinh ống nghiệm xin trứng – Oocyte donation
Chỉ định khi nguyên nhân vô sinh là do buồng trứng người vợ (vợ lớn tuổi, suy buồng trứng sớm).
Tóm tắt kỹ thuật:
– Kích thích buồng trứng người cho trứng
– Chuẩn bị tử cung cho người nhận
– Chọc hút trứng của người cho
– Chuẩn bị tinh trùng (của chồng người nhận)
– Cho trứng và tinh trùng thụ tinh (bằng kỹ thuật IVF hoặc ICSI)
– Chuyển phôi vào buồng tử cung người nhận
Chuyển phôi trữ – Frozen Embryo Transfer (FET)
Trong chu kỳ thụ tinh ống nghiệm đầu tiên, nếu vì lý do nhất định không thể chuyển phôi ngay hoặc đã chuyển phôi mà còn phôi dư, các phôi đạt tiêu chuẩn sẽ được trữ lại để sử dụng cho những lần sau.
Trong chu kỳ chuyển phôi trữ:
– Chuẩn bị nội mạc tử cung người vợ bằng nội tiết
– Rã đông phôi
– Chuyển phôi sau rã đông vào buồng tử cung
Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng sau rã đông
Trong chu kỳ thụ tinh ống nghiệm đầu tiên, vì lý do nhất định phải trữ lạnh trứng (chồng không lấy được tinh trùng,…), trứng được rã đông để sử dụng cho lần sau.
Tóm tắt kỹ thuật:
– Chuẩn bị nội mạc tử cung cho người vợ
– Rã đông trứng
– Tiêm trực tiếp tinh trùng vào trứng
– Chuyển phôi vào buồng tử cung
Các kỹ thuật hỗ trợ khác
Trữ tinh trùng
Tinh trùng được trữ lạnh trong các trường hợp:
– Lưu trữ tinh trùng của người cho
– Người chồng không thể tới bệnh viện lấy tinh trùng vào ngày chọc hút trứng
– Trước khi điều trị một số bệnh lý của người chồng như: mổ u tinh hoàn, hoá trị, xạ trị ung thư…
Phẫu thuật lấy tinh trùng
Đây là phương pháp điều trị vô sinh không tinh trùng do tắc nghẽn (không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch do tinh trùng không thể ra bên ngoài).
Nguyên nhân tắc nghẽn thường gặp là do bẩm sinh, nhiễm trùng đường sinh dục hoặc do thắt ống dẫn tinh.
Phẫu thuật lấy tinh trùng bao gồm nhiều phương pháp:
– Lấy tinh trùng từ mào tinh bằng vi phẫu thuật (Microsurgical Epididymal Sperm Aspiration-MESA): Đây là phương pháp lấy tinh trùng bằng phẫu thuật ở mào tinh. Tỷ lệ thành công trong việc lấy được tinh trùng bằng MESA thường từ 90% trở lên.
– Lấy tinh trùng từ mào tinh bằng xuyên kim qua da (Percutaneous Epididymal Sperm Aspiration-PESA): Lợi điểm của PESA là ít xâm lấn hơn MESA, có thể thực hiện được nhiều lần, đơn giản hơn và mẫu tinh trùng thu được thường ít lẫn máu và xác tế bào. Do đó, PESA là một trong những phương pháp nên chọn lựa đầu tiên ở những trường hợp không tinh trùng do tắc nghẽn, với tỷ lệ thành công khoảng 65%.
– Lấy tinh trùng từ tinh hoàn bằng chọc hút (Testicular Sperm Aspiration-TESA):Dùng kim đâm xuyên qua da vào mô tinh hoàn và hút tinh trùng ra. Ở những người sinh tinh bình thường, tỷ lệ thu được tinh trùng trên 80%.
– Lấy tinh trùng từ tinh hoàn bằng phẫu thuật xẻ tinh hoàn (Testicular Sperm Extraction-TESE): Ở những bệnh nhân có rối loạn quá trình sinh tinh, tỷ lệ thu được tinh trùng vào khoảng 50%. Những đối tượng này, nên sử dụng kỹ thuật TESE hơn là TESA do thu được tinh trùng nhiều hơn.
Kỹ thuật Hỗ trợ phôi thoát màng
Sau khi trứng và tinh trùng thụ tinh với kỹ thuật IVF hoặc ICSI, phôi được chuyển vào buồng tử cung để làm tổ và phát triển thành thai. Bao bên ngoài phôi là màng trong suốt. Trong một số trường hợp, lớp màng này bị cứng chắc bất thường hoặc không mỏng đi trong quá trình phôi phát triển. Điều này làm cho phôi không thể thoát ra ngoài và bám vào nội mạc tử cung để làm tổ. Dựa trên giả thuyết đó, kỹ thuật làm mỏng hoặc làm thủng màng trong suốt bên ngoài phôi đã ra đời, giúp phôi dễ thoát ra ngoài và làm tổ vào tử cung hơn. Nhờ đó giúp cải thiện tỉ lệ thành công khi làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Phương pháp này đặc biệt hiệu quả trong các trường hợp:
- Bệnh nhân thất bại nhiều lần mặc dù chất lượng phôi tốt
- Bệnh nhân chuyển phôi trữ lạnh • Bệnh nhân ít phôi, lớn tuổi
- Bệnh nhân có phôi có màng trong suốt dày bất thường
- Bệnh nhân thực hiện kỹ thuật trưởng thành trứng trong ống nghiệm (IVM)
Tóm tắt kỹ thuật:
- Kích thích buồng trứng.
- Chọc hút trứng.
- Chuẩn bị tinh trùng.
- Dùng hệ thống vi thao tác, tiêm trực tiếp một tinh trùng vào trứng.
- Thực hiện hỗ trợ phôi thoát màng và chuyển phôi vào buồng tử cung trong cùng ngày.
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Bưu Điện được đầu tư xây dựng bài bản cả về chiều sâu và bề rộng, trở thành địa chỉ uy tín, tin cậy hàng đầu trong nước và trong khu vực về điều trị vô sinh hiếm muộn. Hiện nay Trung tâm đã triển khai hầu hết các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và đạt tỷ lệ thành công ngang bằng với các Trung tâm Hỗ trợ sinh sản lớn trên thế giới.
Bạn nên đi khám vô sinh vào ngày nào là thuận tiện nhất?
Như đã nói ở trên, khám vô sinh là khám cả 2 vợ chồng, thời điểm vàng để làm xét nghiệm đánh giá dự trữ buồng trứng của vợ là ngày 2 thấy kinh nguyệt, có thể người chồng sẽ được chỉ định làm tinh dịch đồ,…
Thế nên các bạn nên đi khám vô sinh lần đầu vào ngày thứ 2 thấy kinh của vợ, bạn cũng chú ý những mục sau:
– Chồng: kiêng các chất kích thích: rượu, bia,….
– Kiêng quan hệ từ 3-5 ngày.
– Vợ: siêu âm, xét nghiệm nội tiết.(bạn mang theo kết quả xét nghiệm trước đây đã thực hiện ở các cơ sở khám hiếm muộn và phụ khoa, nếu đủ và còn hiệu lực thì không phải làm lại).
– Mang theo bản photo CMTND + ĐKKH của hai vợ chồng bạn nhé.
Và nữa, bạn cần mang theo thêm những gì?
– Mang theo một tinh thần thoải mái và sẵn sàng chia sẻ những “nỗi niềm riêng”. Một số câu hỏi tế nhị như “quan hệ bao nhiêu lần/tuần, có xuất tinh được không….” thì cũng nên thẳng thắn trao đổi. Quan trọng nhất là những thông tin này có thể giúp bác sĩ tìm ra vấn đề khiến việc có thai bị cản trở.
– Mang theo một ít chuẩn bị về tinh thần. Con đường phía trước có thể mất thời gian – mất tiền bạc – mất nước mắt – mất đi niềm tin. Tỷ lệ có thai của thụ tinh trong ống nghiệm hiện này ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu Điện đạt ngang tầm với các Trung tâm IVF lớn trên thế giới – khoảng 50%, tuy nhiên, cuối cùng rồi hầu hết đều có em bé ẵm về nhà nếu kiên trì và đủ nghị lực.
Bác sĩ thường hỏi những gì?
– Bạn có stress không, chu kỳ kinh thế nào, có từng mắc bệnh phải điều trị lâu dài hay từng phẫu thuật gì trước đây hay chưa?
– Bạn từng có thai lần nào chưa? Có nạo phá thai trước đây hay không?
– Thời gian không áp dụng hoặc ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai?
– Không thường lắm với người Việt Nam: hút thuốc lá, rượu bia, chất kích thích… nhưng nếu có cũng cần nói cho bác sĩ biết. Lý do là những “món” này sẽ tác hại nặng nề đến việc thụ thai của hai vợ chồng.
– Một số câu hỏi về những lần điều trị trước nếu có.
Bác sĩ thường cho những loại xét nghiệm nào?
Sẽ không có một bệnh nhân nào giống bệnh nhân nào. Do đó, tuỳ trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định những xét nghiệm khác nhau. Một số xét nghiệm thường quy có thể thực hiện là:
– Người vợ:
+ Xét nghiệm máu đánh giá dự trữ buồng trứng (xem có nhiều trứng không, chất lượng còn tốt không, có rối loạn nội tiết kiểu buồng trứng đa nang không,…).
+ Siêu âm kiểm tra tử cung, buồng trứng và có thể phát hiện vòi trứng ứ dịch trong một số trường hợp, có u xơ tử cung trong tử cung không, có u buồng trứng hay buồng trứng dạng đa nang không,…).
+ Chụp HSG: là chụp X quang kiểm tra lòng tử cung và vòi trứng, vì nếu vòi trứng bị tắc 2 bên thì không thể có thai tự nhiên được.
– Người chồng: quan trọng nhất là xét nghiệm tinh trùng (Tinh dịch đồ), nếu đã từng xét nghiệm không thấy tinh trùng, có thể phải xét nghiệm máu và khám Nam khoa chuyên sâu.
Xin lưu ý là không nhất thiết phải thực hiện tất cả các loại xét nghiệm trên, và có thể sẽ phải nhiều hơn thế rất nhiều tuỳ tình trạng bệnh lý. Và, lưu ý là, có khoảng 10% các cặp vợ chồng sau khi nghiêm túc thực hiện đầy đủ các xét nghiệm khảo sát mà không tìm được trục trặc ở chỗ nào – y học gọi là “Vô sinh chưa rõ nguyên nhân”.
Chào thân ái,
Chúc cho không còn gia đình nào VÔ SINH nữa!
Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản – Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã.