Gặp lại những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở VN
Ngày 30/4/1998 đã trở thành một dấu ấn không thể nào phai nhòa của các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ khi đón nhận tiếng khóc chào đời của 3 đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Bé gái đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm năm 1998 (ảnh của BV Từ Dũ)
Ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam
Ngày 30/4/1998, tại Bệnh viện Từ Dũ, 3 đứa trẻ đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã cất tiếng khóc chào đời là Phạm Tường Lan Thy, Lưu Tuyết Trân, Mai Quốc Bảo. Một sự kiện trong ngành sản khoa Việt Nam cách đây gần 20 năm nhưng đến nay vẫn không ngừng mang đến niềm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Kể về cơ duyên trở thành người đưa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về Bệnh viện Từ Dũ, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết, từ những ngày bắt đầu học và làm việc trong ngành sản, bà đã được chứng kiến cảnh những đôi vợ chồng trẻ mòn mỏi mong con. Những niềm đau ấy cứ len lỏi vào tim khiến bác sĩ Phượng quyết tâm phải làm một việc gì đó để giúp đỡ họ. Một lần bác sĩ sang Thái Lan công tác, khi ấy, nước này đang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Đến năm 1990, giáo sư Phượng được mời làm giảng viên tại Đại học Nices của Pháp. Trở về nước, khát khao mang lại hạnh phúc cho những đôi vợ chồng hiếm muộn tại Việt Nam càng cháy bỏng hơn. Bác sĩ Phượng âm thầm vạch ra kế hoạch dài hạn nhằm đưa mặt bằng chuyên môn tại bệnh viện của mình phát triển hơn. Xác định bước kỹ thuật chuyên môn là quan trọng nhất nên các bộ phận siêu âm, phẫu thuật nội soi, sơ sinh non tháng… đều được bác sĩ Phượng nâng tầm cao hơn.
“Khi khâu kỹ thuật đã xong, điều khiến tôi trăn trở nhất là áp lực từ dư luận. Thời gian ấy, trong con mắt nhiều người, y học của Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao, hơn nữa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm lâu nay chỉ diễn ra tại các bệnh viện lớn ở nước ngoài” – bác sĩ Phượng nhớ lại những ngày tháng phải vật lộn trong cơn bão dư luận. Nhưng với khát khao giúp đỡ những cặp vợ chồng hiếm muộn, bác sĩ Phượng quyết tâm bằng mọi giá phải thực hiện được.
Năm 1994, người đàn bà ấy tự thân vận động để xin học bổng, thậm chí quyết định bỏ tiền túi ra để đưa đội ngũ nhân viên, bác sĩ của bệnh viện sang Pháp và Singapore để tham quan và học hỏi kỹ thuật cũng như kinh nghiệm từ các nước đã áp dụng thành công thụ tinh trong ống nghiệm. Về mặt pháp lý, bác sĩ Phượng cùng luật sư Phan Trung Hoài đã soạn ra dự thảo quyết định thành lập ngân hàng tinh trùng cho Bệnh viện Từ Dũ.
Sau nhiều năm âm thầm chuẩn bị, ngày 19/8/1997, hơn 30 phụ nữ vô sinh đầu tiên tại Việt Nam đã được chuyển phôi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Trong số các bệnh nhân, có hơn 10 người thụ tinh thành công. Đến ngày 30/4/1998, 3 em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên chào đời, đánh dấu một bước ngoặt lớn cho ngành sản khoa Việt Nam. Hạnh phúc ngập tràn ngày đón nhận tiếng khóc chào đời bình yên của những đứa trẻ, nước mắt đẫm trên khuôn mặt của bác sĩ Phượng.
17 năm đã qua, kể từ ngày Phạm Tường Lan Thy, Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo, cất tiếng khóc chào đời và cũng là ngày ghi tên mình vào lịch sử sản khoa Việt Nam – những đứa trẻ đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, vẫn còn nhớ như in giây phút các bé cất tiếng khóc chào đời.
“Khi mà nhìn các cháu lớn khỏe mạnh như bây giờ, tôi lại nhớ lại cái ngày chuẩn bị để chuyển phôi. Ngày ấy căng thẳng quá mức, bộ trưởng nói tôi phải về xin ý kiến của Ban bí thư vì đây không phải sản xuất ra một máy móc, sản phẩm… mà đây là tạo ra một con người”, bác sĩ Phượng nhớ lại.
Gian nan hành trình “đi tìm con”
Với cha của Phạm Tường Lan Thy, đó là một món quá vô giá mà bác sĩ Phượng đã mang đến cho gia đình anh. Nhớ lại, lúc bác sĩ Phượng gọi vợ chồng anh vào nói về phương pháp thụ tinh, cả hai vợ chồng vừa mừng vừa lo. Mừng vì hai vợ chồng sẽ có cơ hội làm cha mẹ nhưng lo vì không biết đứa trẻ được sinh ra sẽ thế nào.
“Hai vợ chồng có thỏa thuận với nhau rằng khi mà mổ ra, đưa 10 ngón tay lên mà gật đầu thì đứa trẻ đã đầy đủ, còn nếu chỉ còn 9 ngón hoặc 8 ngón thì đứa bé thiếu một bộ phận gì đó mà mình không biết. Và lúc thấy vợ đưa lên 10 ngón tay – một ký hiệu riêng của hai vợ chồng cho thấy “mẹ tròn con vuông”, anh mới thở phào nhẹ nhõm. Bé nặng 3,1kg. “Có vật gì đè nặng, thở không nổi. Sau này tôi hiểu đó là hạnh phúc” – anh Phạm Xuân Tài (cha bé Thy) trú tại Phường Tân Bình, Quận 6, TP.HCM chia sẻ cảm giác vừa mừng vừa hạnh phúc khi lần đầu tiên lên chức bố sau bao năm tháng nhọc nhằn, hy vọng và cả thất vọng.
Hai vợ chồng anh Phạm Xuân Tài (49 tuổi) và chị Phạm Thị Thanh Dung (53 tuổi) kết hôn từ năm 1986 nhưng hơn chục năm chạy chữa, “vái tứ phương” vẫn không thể có được một đứa con. Năm 1997, anh Tài tình cờ gặp được bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, khi ấy là giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Năm 1997 cũng là năm đầu tiên kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) được bác sĩ Phượng mang về Việt Nam.
Được bác sĩ giới thiệu về phương pháp TTTON, một tia hy vọng lóe lên với vợ chồng anh Tài. Sau khi chuyển phôi, đến ngày 30/4/1998, niềm vui vỡ òa trong anh Tài và gia đình khi chào đón cô con gái ra đời cùng ngày với 2 đứa trẻ còn lại. Từ khi ra đời, bé Lan Thy cũng phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.
Anh Tài nói: “Bé cũng khóc, cũng biếng ăn, ho, sốt, sổ mũi… như mọi trẻ em thôi. Được cái cháu không bị bệnh gì từ đó đến nay, phát triển rất bình thường”. Đến khi Lan Thy biết nói, biết đọc, gia đình có nói về trường hợp TTTON, cho xem lại những hình ảnh quý giá, bài báo về ngày Lan Thy chào đời. “Lúc 4 tuổi, em nhớ có lần mình lục trong tủ thấy một xấp hình ảnh, giấy báo. Ba thấy được mới giải thích, tuy nhiên lúc đó em không hiểu gì nhiều, mãi đến khi em học đến lớp 6 em mới hiểu về trường hợp của mình”, Lan Thy chia sẻ.
Lan Thy kể hồi học lớp 3, em hay bị bạn bè trong lớp chọc là khác người nhưng em không hề thấy mặc cảm và không kể chuyện này cho cha mẹ biết. “Những lúc bị trêu chọc, em tức lắm nên chửi lại, có lần em còn lao vào đánh bạn cùng lớp vì nói em khác người. Tuy nhiên, dần dần bạn bè cũng hiểu và không còn chọc em nữa”, cô bé nhớ lại.
Từ lúc bé, theo lời kể của anh Tài thì con gái mình đã bộc lộ khả năng về âm nhạc. Từ đó, gia đình mới thử cho con làm quen với các nhạc cụ. Từ cây đàn guitar và bài dạy đàn của bố, Lan Thy nhanh chóng biết đàn. Vào nhà thiếu nhi, Thy được học thêm piano, violon và chơi được cả kèn saxophone. Từ lớp 7, Lan Thy làm lớp phó văn thể mỹ, là thành viên cốt cán của đội kèn trường THCS Nguyễn Gia Thiều, mang về nhiều giải thưởng văn nghệ cho lớp, cho trường.
Về học tập, Lan Thy hiện đang là học sinh lớp 11 chuyên văn THPT chuyên Lê Hồng Phong, từ lớp 1 đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Thời gian sau giờ học, Thy thường phụ giúp mẹ làm việc nhà, bán trái cây hoặc đi chơi bóng rổ. “Hai vợ chồng cũng không tính sinh thêm đứa nữa để tập trung nuôi dạy con cho tốt. Nhiệm vụ trước mắt của cháu là học thật tốt, nếu sau này thích âm nhạc, gia đình luôn tạo điều kiện”, anh Tài cho hay.
Còn chị Mai Thúy Nga, mẹ bé Mai Quốc Bảo, cho biết: “Sau khi thụ tinh ống nghiệm xong, thai nhi phát triển bình thường. Tuy nhiên, chị không khỏi lo lắng về hình hài của đứa bé. Nhiều lần đi khám thai chị đã mạnh dạn hỏi bác sĩ về tình trạng thai nhi. “Mình không nói là bé thụ tinh ống nghiệm, mỗi lần đi khám sức khỏe, mình hỏi bác sĩ thai nhi có khiếm khuyết gì không hay là có cái gì phát triển không bình thường không. Nhưng vui mừng thay, các bác sĩ nói rằng mọi thứ đều ổn, thai nhi phát triển bình thường và không có bất cứ khiếm khuyết gì cả”, chị Nga nhớ lại.
Chị Mai Thúy Nga và anh Mai Văn Phơn sau khi cưới nhau được một năm, chị Nga có thai nhưng bị hư nhiều lần. Hai vợ chồng ra sức đi chùa khấn Phật, uống đủ thứ thuốc từ thuốc Bắc đến thuốc Nam, ăn bánh thánh ở nhà thờ… nhưng vẫn không thaǹ h công. Cho đến khi gặp bác sĩ Ngọc Phượng, niềm tin mãnh liệt trong chị lại trỗi dậy dù được bác sĩ Ngọc Phượng thông báo xác suất có con ở độ tuổi 41 của chị rất thấp.
Chị Nga cũng là một trong số ít những trường hợp đậu thai thành công trong lần tiêm thuốc đầu tiên. Quá trình mang thai bé Bảo thật sự khủng khiếp đối với chị Nga. Chị vật vã ói từ lúc mang thai đến lúc sinh, mỗi lần ăn vào chị đều nôn ra hết, thời gian chị nằm viện truyền dịch còn nhiều hơn thời gian ở nhà dưỡng thai.
Khi được bác sĩ trao đứa bé 2,45kg áp vào ngực, chị Nga nghẹn ngào và chỉ biết cảm nhận hơi ấm từ sinh linh bé bỏng của mình. Tuy sinh ra nhỏ vậy, Bảo lại dễ nuôi và bây giờ có chiều cao rất ấn tượng: 1,75m. Cái tên Mai Quốc Bảo được chính ông ngoại đặt và xem như “một báu vật quốc gia”.
Kể từ khi phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện ở Việt Nam, cho đến nay đã có hơn 20 nghìn đứa trẻ chào đời bằng phương pháp hiện đại này. Bác sĩ Ngọc Phượng cho hay: “Hiện nay, người ta công nhận Việt Nam là nước có kĩ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến và có thứ hạng cao ở trên thế giới. Tỷ lệ thành công của chúng ta là cao và an toàn”. Gần 20 năm trôi qua, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, không chỉ còn là một kĩ thuật đơn thuần mà nó đã trở thành một niềm hy vọng, niềm mơ ước, niềm hạnh phúc trọn vẹn với những cặp vợ chồng hiếm muộn.
Linh Nga (Người đưa tin)