21
APR
2016

Tâm sự về mẹ của ‘đứa bé ống nghiệm’ đầu tiên trên thế giới

Louise Brown, người đầu tiên trên thế giới chào đời bằng phương pháp thụ tình ống nghiệm nay đã 33 tuổi. Cuộc sống của cô vốn rất bình yên, ngoại trừ nỗi mất mát lớn lao khi mẹ cô mất hồi tháng trước.

Louise Brown tung tăng trên đường phố và đi mua sắm cùng con trai 5 tuổi giống như bất kỳ người mẹ trẻ bận rộn nào. Tuy nhiên cô chính là đứa trẻ đầu tiên trên thế giới ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Nhận thấy sự tồn tại của mình trên trái đất là một điều đặc biệt nên Louise không ngại chia sẻ với mọi người về câu chuyện cuộc đời cô từ lúc sinh ra đến khi làm mẹ và hạ sinh đứa con trai đầu lòng tên là Cameron.

Em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên

Louise và người mẹ cô hết mực thương yêu đã qua đời ở tuổi 64. Ảnh: Associated Newspaper

Louise cho biết trước đến giờ cuộc sống của cô rất hạnh phúc, bình lặng và được cha mẹ chăm sóc chu đáo. Năm nay bước vào tuổi 33, cô đang phải trải qua nỗi mất mát lớn nhất cuộc đời đó là sự ra đi vĩnh viễn của mẹ, người đã can đảm thử nghiệm phương pháp sinh con đặc biệt, nhờ đó mà Louise mới có mặt trên đời.

Trước đến giờ mẹ của Louise luôn sống khép kín, nhất là từ sau cái chết của chồng vì căn bệnh ung thư phổi. Hồi đầu tháng 6, bà Lesley, mẹ của Louise đột ngột qua đời ở tuổi 64 do bị nhiễm trùng huyết trong quá trình điều trị sỏi mật ở bệnh viện.

Louise không thể quên khoảng thời gian mẹ cô được điều trị ở viện Bristol Royal Infirmary và lúc bác sĩ thông báo cho mọi người bà Lesley không thể qua khỏi. “Đó là một cú sốc lớn. Khi chúng tôi nghe họ nói không thể cứu được mẹ, tất cả những gì có thể làm là nói lời tạm biệt và nắm tay mẹ để người thấy dễ chịu hơn. Sau đó tôi đi thẳng về nhà và nói sự thật với Cameron, nhưng thật khó thốt nên lời. Mẹ đã nuôi nấng và chăm sóc cháu suốt thời gian tôi đi làm nên nó yêu bà rất nhiều”.

Tất cả những ai đã trải qua nỗi đau mất người thân cũng hiểu cảm giác của Louise bây giờ. Không những thế, với một người được sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt như cô thì cái chết của người mẹ càng như lưỡi gươm đâm vào tim.

Louise từng nghe mẹ kể về quãng thời gian bà thấy tuyệt vọng như thế nào khi biết mình không thể có con. Vì khát khao tiếng trẻ thơ trong gia đình, bà đã đồng ý thử nghiệm phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm bất chấp những cảnh báo nguy hiểm có thể xảy ra. Là một người phụ nữ khiêm tốn, nhút nhát, nhưng nhờ quyết định dũng cảm này mà bà Lesley đã giúp mở ra một kỷ nguyên mới trong xã hội loài người, đem lại niềm hy vọng lớn lao cho những cặp vợ chồng hiếm muộn.

Bệnh viện bưu điện

Niềm vui của cha mẹ Louise khi sinh ra cô bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. 

Đối với Louise, ngày sinh nhật của cô luôn là một điều thú vị, ngày 25/7/1978, đánh dấu mốc lịch sử thành công của phương pháp thụ tinh bằng ống nghiệm của bác sĩ Patrick Steptoe và tiến sĩ Robert Edwards. Vatincan đã cảnh báo nghiên cứu này có thể mang lại hậu họa lớn cho nhân loại, giới khoa học lúc đó cũng bày tỏ lo ngại.

Cha mẹ của Louise lúc ấy thuộc tầng lớp lao động nghèo. Họ không biết gì về khoa học, tất cả những gì họ làm là mong muốn có một đứa con sau 9 năm khốn khổ vì vô sinh.

Các nhà khoa học đã tiến hành tách lấy trứng từ tử cung của bà Lesley và cho vào một cái đĩa (chứ không phải ống nghiệm như bây giờ) trong đó có sẵn tinh trùng của chồng bà. Hai ngày sau phôi hình thành và được cấy trở lại tử cung người mẹ.

“Mẹ tôi chỉ biết đó là thử nghiệm chứ không hề nghĩ sẽ có em bé hình thành. Phải đến gần cuối thai kỳ bà mới biết mình sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới sinh con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm”, người con gái kể tiếp.

Nhiều người ở khắp nơi trên thế giới đã nhắn tin tôn vinh bà Lesley là một người mẹ tuyệt vời đã can đảm “tiên phong” trong việc áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên Lesley đã cười khi nghe người ta gọi mình là người “tiên phong” và đáp lại rằng không phải là bà can đảm mà tất cả những việc bà làm xuất phát từ khát khao có một đứa con trong gia đình.

Từ thời điểm Louise được sinh ra, cả gia đình trở thành trung tâm chú ý của truyền thông toàn cầu. Các phóng viên báo đài và truyền hình luôn túc trực, thậm chí cắm trại ở xung quanh nhà bà Lesley để theo dõi tình hình.

Lúc đầu John và Lesley rất hào húng trả lời những cuộc phỏng vấn. Họ đi du lịch ở khắp nơi để khoe với thế giới về đứa con đặc biệt của mình. Nhưng ít lâu sau họ cảm nhận được áp lực từ sự nổi tiếng và búa rìu dư luận đã làm cho gia đình mất sự bình an nên ngại tiếp xúc với báo đài.

“Thỉnh thoảng mẹ tôi bảo bà cảm thấy như tôi không phải là con của mẹ vì bà phải chia sẻ tôi với cả thế giới. Mẹ không thích như vậy. Tất cả những gì mẹ muốn là tôi có cuộc sống bình thường. Sau đó cha mẹ tôi đã hạn chế công khai chuyện gia đình. Họ luôn nỗ lực bảo vệ tôi”, người phụ nữ kể.

Đi đến đâu cũng bắt gặp những ánh mắt tò mò nhưng rồi dần dà Louise cũng quen. “Tất nhiên tôi biết mọi người quan tâm đến mình. Bất kỳ người nào tôi gặp đều muốn đặt những câu hỏi. Tôi cũng thích nói chuyện với họ”.

Hỗ trợ sinh sản

Từ trái qua: Tiến sĩ Robert Edwards, bà Lesley, Louise và bé Cameron. 

Khi Louise được 4 tuổi, em gái của cô tên là Natalie cũng được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Vợ chồng bà Lesley đã giải thích cặn kẽ về việc này cho Louise hiểu. Lo sợ con mình sẽ trở thành tâm điểm bị bạn bè trêu chọc, cha mẹ của Louise đã trấn an bằng cách kể cho con nghe về một người cậu cũng sinh con nhờ ống nghiệm.

“Bố mẹ đã cho tôi xem những video từ lúc tôi lọt lòng và nói rằng tôi hoàn toàn giống như bất kỳ những đứa trẻ bình thường nào, chỉ có điều là cách tôi được sinh ra hơi khác thôi. Khi lớn lên, nghe mọi người đề cập nhiều, tôi hiểu được điều gì đã xảy ra”, cô nhớ lại.

Louise đến trường thường bị các bạn dò xét, thậm chí thỉnh thoảng chúng còn nhìn thẳng vào mặt em và hét lớn “đứa bé ống nghiệm”. Tuy nhiên Louise luôn nghĩ không phải các bạn ghét mình mà chỉ đơn giản họ thấy tò mò về một điều gì đó khác với bình thường.

“Mẹ không thích nghe những từ đó vì nó gợi lên cảm giác tôi chỉ là vật thí nghiệm. Nhưng tôi không hề thấy phiền hà về điều đó. Tôi không cảm thấy bị cô lập giữa đám bạn, ngược lại tôi cởi mở hòa đồng và thích trò chuyện cùng mọi người”, Louise kể tiếp.

Louise kể người ta đã viết trên một trang web là: “Hy vọng cái chết của Lesley không phải là hệ lụy của việc bà mang thai thụ tinh trong ống nghiệm”. Theo cô, đó là suy nghĩ cực kỳ ấu trĩ. Louise bảo: “Tôi muốn trả lời với mọi người rằng đương nhiên điều đó là không phải vậy nhưng tôi biết là mình không thể làm như thế”.

Lúc sinh thời cha mẹ của Louise đã phải chịu áp lực dư luận nặng nề, những lời dèm pha của người đời khiến cho bà Lesley tổn thương và đau khổ. “Tôi luôn nhớ nhưng tôi không quan tâm, nhưng những điều đó làm cho mẹ tôi phiền lòng vì tôi là ‘sản phẩm’ mà mẹ đã tạo ra”. Song dù thế nào đi nữa, bà Lesley vẫn một mực kiên định dạy con theo cách của mình. Vợ chồng bà thường đưa con gái đi cưỡi ngựa, tập bơi.

Dường như cả cuộc đời “cô bé ống nghiệm” đã quá quen với sự giúp đỡ của mẹ từ khi cô sinh ra đến khi lập gia đình rồi có con. Vì thế khi bà ra đi đã để lại trong cô nỗi mất mát không gì có thể bù đắp được.

“Tôi không nghĩ rằng sự ra đi của mẹ có thể khiến mình gục ngã thế này. Những tuần qua là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi đã khóc rất nhiều”, người con tâm sự trên trang Telegraph.

Khi nỗi nhớ thương mẹ ùa về, Louise bảo: “Với tôi, bà cũng như bao bà mẹ khác. Bà đối xử với con rất tử tế. Tôi luôn nghĩ rằng tất cả những gì quan trọng mà tôi có đều do mẹ đem lại. Bà đã giúp tôi tổ chức đám cưới và luôn ở bên cạnh khi tôi sinh con. Tôi không thể tưởng tượng được một ngày nào đó tôi không còn mẹ trên đời nữa. Nhưng bây giờ tất cả đã đổ sập xuống”.

Thi Trân

Quay lại